Hầu như mọi tài khoản sử dụng để truy cập vào các dịch vụ/phần mềm trong máy tính, như email, diễn đàn/mạng xã hội, trang quản trị website, quản trị host, tên miền, một số phần mềm ứng dụng…đều được bảo vệ bằng mật khẩu. Độ mạnh của mật khẩu quyết định rất lớn đến sự an toàn cho các tài khoản của bạn. Bài viết sau sẽ chia sẻ với các bạn 5 quy tắc bảo mật khi sử dụng password (mật khẩu) và một vài thủ thuật /kinh nghiệm/ cách đặt mật khẩu mạnh mà rất dễ nhớ
Với những người không chuyên về máy tính, chúng ta thường chỉ đặt mật khẩu tùy hứng, ngẫu nhiên từ các ký tự đơn giản như ngày sinh, số chứng minh thư, tên mình, tên người yêu, hoặc đặt mật khẩu trùng với tên đăng nhập… Những thói quen này tiềm ẩn những nguy cơ bảo mật rất lớn mà chúng ta không biết cho đến khi nó đã xảy ra, chẳng hạn như, tài khoản bị chiếm đoạt dẫn đến mất quyển kiểm soát email; tài khoản quản trị host, domain; bị giả mạo hoặc lừa đảo, đặc biệt là những ai đang sử dụng các dịch vụ thanh toán online.
Cách đặt mật khẩu mạnh (những quy tắc sử dụng mật khẩu an toàn)
Quy tắc 1: Không tiết lộ mật khẩu cho bất kỳ ai
Bạn đừng nghĩ rằng bạn tin tưởng một ai đó tuyệt đối thì có thể cung cấp mật khẩu của bạn cho họ, bởi vì, đôi khi người đó không cố ý làm hại bạn nhưng họ lại là nạn nhân của những kẻ xấu. Chưa kể đến trường hợp người bạn rất tin tưởng đó có một ngày kia trở trời, đổi gió => Hãy giữ mật khẩu của bạn theo đúng cái tên của nó: “mật“
Quy tắc 2: Không viết mật khẩu ra bất kỳ đâu
Mặc dù luôn ghi nhớ trong đầu nhiều password phức tạp khiến bạn khó chịu và mệt mỏi, nhưng nếu bạn viết mật khẩu vào sổ hay môt mẩu giấy để khỏi quên và vô tình kẻ xấu đọc được thì than ôi hậu quả khôn lường. Nếu bạn vẫn muốn ghi chúng ra để đề phòng khi quên thì nên mã hóa chúng trước, khi đó bạn chỉ ghi ra những gợi ý mà chỉ mình bạn có thể giải mã được nó.
Vậy để làm sao để bạn nhớ được những mật khẩu “mạnh” và “phức tạp” => hãy tham khảo thủ thuật đặt mật khẩu bên dưới.
Quy tắc 3: Không dùng chung mật khẩu
Đều này dễ hiểu rồi, nếu bạn dùng chung mật khẩu thì có thể một ngày bạn trắng tay. Chúng ta thường nghe câu “không để tất cả trứng trong một rỏ“, có vẻ câu này cũng đúng trong trường hợp này.
Một ví dụ đơn giản, nếu bạn sử dụng chung password duy nhất cho tất cả: gmail, facebook, tài khoản diễn đàn, tài khoản quản trị website,… thậm trí tài khoản ngân hàng online thì nếu chẳng may bạn bị đánh cắp tài khoản facebook, bạn sẽ mất tất cả phần còn lại
Quy tắc 4: Đặt mật khẩu đủ mạnh
1) Đặt mật khẩu đủ dài (thường thì mật khẩu mình đặt có từ 12-20 ký tự). Vì các phần mềm dò password có thể dễ dàng mò ra mật khẩu của bạn nếu bạn để quá ngắn (ít hơn 6 ký tự)
2) Đặt mật khẩu bao gồm cả ký tự lạ, số, chữ thường và chữ hoa
3) Không đặt mật khẩu trùng hoặc gần với tên đăng nhập
4) Không đặt mật khẩu bằng ngày tháng năm sinh, số chứng minh thư hoặc các thông tin cá nhân của bạn mà nhiều người biết.
Quy tắc 5: Nên thay đổi mật khẩu thường xuyên
Hãy thay đổi mật khẩu thường xuyên nếu bạn có thể! thông thường thì 1 đến 3 tháng bạn nên thay đổi mật khẩu một lần.
Những thủ thuật đặt mật khẩu mạnh mà dễ nhớ
Hãy sử dụng các thủ thuật sau đây, bạn sẽ có những mật khẩu đảm bảo cực mạnh mà vẫn dễ nhớ:
– Hãy thêm/bớt đi/chèn vào một vài ký tự đặc biệt trong mật khẩu, ví dụ: password => p4sswrds
– Hãy dùng chữ HOA và chữ thường hợp lý, ví dụ: p4sswrds => P4sSwrds
Với mật khẩu ban đầu là password quá dễ đoán và dễ mò thì P4sSwrds là một mật khẩu khá mạnh, bạn có thể kiểm tra độ mạnh của mật khẩu bằng các công cụ online như: https://www.microsoft.com/en-gb/security/pc-security/password-checker.aspx
– Hãy tự tạo ra các password độc, chẳng hạn: người yêu bạn tên là Phương, sinh ngày 15/2/1988 thì bạn có thể đặt mật khẩu là: nyttlPhuongsn8* => dịch ra là: người yêu toi tên Phương sinh năm 88 (chữ * tạo ra khi nhấn Shift và số 8)
…
Sức sáng tạo là vô biên, bạn có thể sáng chế ra những mật khẩu độc khác nữa !
Good luck !